Vĩnh Xuân Quyền – Lấy nhu chế cương
Khái lược lịch sử.
Vĩnh Xuân Quyền vào (tại Việt Nam) chủ yếu do công của tôn sư Nguyễn Tế Công – người được đa số các võ sư Vĩnh Xuân hiện nay coi là sư tổ của Vĩnh Xuân (tại Việt Nam). Từ năm 1939 đến 1954, Sư tổ chủ yếu dạy ở ngoài Bắc với các học trò (thế hệ thứ hai) sau này được nhiều người biết tên như các cố võ sư Việt Hương, Trần Văn Phùng, Ngô Sỹ Quí, Vũ Bá Quí, Trần Thúc Tiển, Ngô Phượng Tường, Hồ Hải Long v.v.
Sau năm 1954, sư tổ chuyển vào Nam, tiếp tục dạy các học trò như các cố võ sư Nguyễn Bá Khả, Lục Viễn Khai, Đỗ Bá Vinh, Ngô Phượng Tường, Trần Văn Từ, Huỳnh Ngọc Ẩn(đệ tử của Hồ Hải Long) v.v. cho đến khi mất 1959.
Trong thế hệ thứ ba của Vĩnh Xuân (tại Việt Nam) cũng đã có nhiều võ sư mở võ đường, được công chúng biết, đặc biệt ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, và ở một số nước khác như Canada, Pháp và Ukraina. Ngoài ra, còn nhiều võ sư không mở võ đường chính thức, dù vẫn âm thầm truyền dạy và phát triển các công phu của môn phái.
Ngoài những nhánh chính của tôn sư Nguyễn Tế Công, còn có một số ít chi nhánh khác của Vịnh Xuân vẫn được truyền dạy chủ yếu trong cộng đồng người Hoa ở Q5 (Sài Gòn,Chợ Lớn) và rải rác ở các tỉnh Nam Bộ (Vũng Tàu, Biên Hòa, Lái Thiêu, Cần Thơ…)Những chi nhánh này cũng do những người Hoa di cư truyền dạy (cùng thời và sau tôn sư Nguyễn Tế Công), mang tính chất tâm truyền(1-2 người) mục đích bảo tồn tinh hoa nên ít được biết đến.Những chi nhánh này mang nét đặc trưng của Vịnh Xuân truyền thống với 4 bài quyền, 2 bài binh khí.
Phát triển
Hiện nay, môn Vĩnh Xuân Quyền (tại Việt Nam) đã phát triển thành nhiều chi nhánh ở khắp các miền đất nước và mở rộng ra cả ngoài (tại Việt Nam). Nhiều võ đường và câu lạc bộ Vĩnh Xuân Quyền đã được thành lập để trao đổi, học tập và phát triển môn phái.
Trước đây, không có cơ sở tin cậy để kết luận về nguồn gốc của tên gọi. Một trong các truyền thuyết nói rằng tổ sư của môn võ này là Ngũ Mai Lão Ni, một đệ tử của võ thuật Thiếu Lâm, trưởng môn phái Bạch Hạc Quyền, đúc kết những kinh nghiệm tập luyện và bổ sung thêm những kỹ thuật độc đáo “lấy nhu chế cương” khi quan sát trận giao đấu giữa Hạc và Xà. Cũng theo truyền thuyết, đệ tử đầu tiên của bà là Nghiêm Vĩnh Xuân, người có công phát triển rộng rãi môn võ. Về sau, tên của bà được lấy làm tên môn phái.
Trong các truyền thuyết khác, tên của Chí Thiện Thiền Sư, Miêu Hiển, Phùng Đạo Đức, Trương Ngũ thường được nhắc đến như những người có các đóng góp cho kỹ thuật của môn phái. Các võ sư ở thế hệ sau như Đại Hoa Diện Cẩm, Lương Nhị Đệ, Hoàng Hoa Bảo trong Hồng Hoa Hội, Lương Tán, Hoắc Bảo Toàn, Phùng Thiếu Thanh, Trần Hoa Thuận v.v. là những người đã có công truyền bá và hòan thiện các kỹ thuật Vĩnh Xuân, và được nhắc đến trong hầu hết các phả hệ ở các chi phái. Các bằng chứng về việc Hoắc Bảo Toàn và Phùng Thiều Thanh truyền dạy cho anh em Nguyễn Tế Công và Nguyễn Kỳ Sơn hiện vẫn còn lưu tại Phật Sơn, Quảng Đông, Trung Quốc.
Môn này đã phát triển ở nhiều nơi trên thế giới, và được biết đến nhiều nhất qua Lý Tiểu Long, người thể hiện công phu Vĩnh Xuân trên màn bạc. Sư phụ ông – Diệp Vấn, được coi là sư tổ của Vĩnh Xuân Hồng Kông – là người có công đào tạo ra một thế hệ học trò đã truyền bá Vĩnh Xuân rộng rãi trên toàn thế giới.
Hiện nay, theo những nghiên cứu về khảo cổ học của Viện Văn hóa và Khảo cổ Trung quốc, Viện Văn hóa và Khảo cổ tỉnh Phúc kiến, những nghiên cứu về lịch sử, về võ thuật và nghệ thuật kinh kịch Trung quốc cộng với những công trình nghiên cứu của nhiều dòng Vĩnh Xuân khác nhau trên thế giới, trong đó nổi bật nhất là Viện Bảo tàng Vĩnh Xuân (Ving Tsun museum) của dòng Diệp Vấn, chúng ta có thể rút ra các nét chính về lịch sử môn Vĩnh Xuân như sau:
– Vĩnh Xuân là một môn khoa học chiến đấu được các cao tăng Nam Thiếu Lâm và một vài người còn lại của giới tướng lĩnh quân sự nhà Minh nghiên cứu sáng tạo ra tại Vĩnh Xuân đường, thuộc về chùa Nam Thiếu Lâm ở Bồ Điền (Putian), tỉnh Phúc Kiến.Mục đích của việc sáng tạo ra môn Vĩnh Xuân là để tạo ra một phương pháp chiến đấu hữu hiệu hơn võ thuật Thiếu Lâm truyền thống. Đồng thời, vào thời điểm đó, quân đội Minh triều đã tan rã, nên giới tướng lĩnh quân sự Minh triều và giới lãnh tụ khởi nghĩa cần phải có một phương pháp huấn luyện mới thật hiệu quả, nhanh chóng để trong một thời gian ngắn có thể đào tạo ra một lực lượng chiến đấu đủ sức chống lại quân đội Mãn Thanh thiện chiến.
– Khi chùa Nam Thiếu Lâm này bị vua Khang Hy đốt vào cuối thế kỷ 17, các cao thủ Vĩnh Xuân thoát khỏi vụ hỏa thiêu đã đổi tên môn phái thành Vịnh Xuân, rút vào hoạt động bí mật và phổ biến môn phái ra quần chúng dưới tên gọi Vịnh Xuân. Truyền thuyết về Ngũ Mai lão ni và Nghiêm Vịnh Xuân được đặt ra để che giấu nguồn gốc thực của môn phái. Chữ Nghiêm đặt trước tên Vịnh Xuân để nhắc về lời thề giữ bí mật của Vĩnh Xuân đường.
– Khi đổi tên, họ luôn có ý định khi lật đổ nhà Thanh, phục hồi nhà Minh, sẽ dựng lại chùa Nam Thiếu Lâm và đổi tên môn phái trở lại thành Vĩnh Xuân. Dự định này đã không thành sự thật, vì triều đại nhà Minh không bao giờ được khôi phục. Do đó môn phái mang cả hai tên gọi là Vĩnh Xuân và Vịnh Xuân, tùy theo xuất thân và dòng gốc của người thầy phổ biến nó.
– Bên ngoài Hồng Hoa hội, khi Vịnh Xuân được dạy cho quần chúng, các sư phụ không bao giờ dạy toàn bộ hệ thống như là một Khoa học Chiến đấu hoàn chỉnh được tạo ra từ Vĩnh Xuân đường. Chính vì vậy, nhiều dòng Vịnh Xuân khác nhau đã ra đời, và có nhiều cách hiểu và lý giải công pháp Vịnh Xuân khác nhau.
Leave a Reply